Cần thận trọng với số liệu logistics!
(TBKTSG) – Ngày 10-1, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) tổ chức hội thảo chuyên ngành logistics chủ đề “Tìm nguồn lực mới cho tăng trưởng bền vững” tại TPHCM và công bố hai báo cáo mới nhất về logistics Việt Nam. Bên cạnh một số phân tích rất công phu và kỹ lưỡng về thương mại và giao thông vận tải Việt Nam, báo cáo cũng đề cập rất nghiêm túc đến một vấn đề gây tranh cãi khác: tỷ trọng chi phí logistics trên GDP của Việt Nam.
Cụ thể, sau khi so sánh chi phí xuất nhập khẩu của một lô hàng thông thường tại Việt Nam (có tính đến cả các chi phí không chính thức), báo cáo ghi nhận chi phí logistics(1) của Việt Nam gần tương đương với của Trung Quốc và thấp hơn của Indonesia (hai nước này có chi phí logistics ước tính chiếm khoảng 18-20% GDP), trái với các báo cáo thường được trích dẫn rằng chi phí logistics của Việt Nam chiếm tới 25% GDP.
Báo cáo đề nghị người sử dụng phải cân nhắc những tỷ lệ này hết sức thận trọng, ít nhất vì hai lý do. Thứ nhất, giữa các kết quả tính toán còn có nhiều chênh lệch. Một số nghiên cứu cho biết tỷ trọng chi phí logistics của Việt Nam trên GDP thấp hơn. Cụ thể, Viện Chiến lược và Phát triển giao thông Meyrick và cộng sự, và BPO đưa ra con số 15%, còn tập đoàn logistics Boston tính toán ra 13%(2).
Thứ hai và quan trọng hơn là hầu như tất cả những báo cáo trên đều không công bố phương pháp tính toán và nguồn số liệu sử dụng cho tính toán, nên khó đánh giá độ chính xác, xác thực của các kết quả. Báo cáo kết luận, những tính toán hiện có cho rằng chi phí logistics lên tới 25% GDP chỉ nên xem là chỉ báo tương đối về mức chi phí thật sự.
Nếu đồng ý với những ghi nhận trên, ta sẽ thấy một vấn đề đáng lo ngại rằng, mệnh đề “chi phí logistics chiếm 25% GDP” này lại đang được sử dụng rất phổ biến trong các cơ quan nhà nước, và ít nhiều mang hàm ý không tích cực. Chẳng hạn dự thảo “Đề án phát triển dịch vụ logistics trong lĩnh vực vận tải biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” của Cục Hàng hải Việt Nam soạn với chi phí gần 1,5 tỉ đồng, có khẳng định “chi phí logistics tại Việt Nam khá cao, chiếm 25% GDP”.
Trong khi đó, theo ước tính chính thức của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), tỷ lệ chi phí logistics so với GDP là 21%, con số này được công bố tại cuộc họp về Đề án phát triển dịch vụ logistics do Bộ GTVT tổ chức hồi tháng 10-2013. Đến ngày 15-11-2013, trong khuôn khổ diễn đàn logistics Việt Nam lần thứ nhất (mà Bộ GTVT là một trong các đơn vị tổ chức), con số 25% xuất hiện trở lại và được các báo đài sử dụng thống nhất khi đưa tin về diễn đàn này.
Vì chi phí logistics trong GDP chưa phải là một hạng mục phổ biến trong hệ thống các chỉ tiêu của Việt Nam, chúng ta có thể chấp nhận một phát biểu mang tính tương đối rằng trước đây, chi phí logistics chiếm trên 20% GDP Việt Nam. Nhưng giờ đây, khi các cơ quan chức năng đã tăng tần suất sử dụng số liệu này, thậm chí đưa ra mục tiêu để cải thiện chỉ tiêu này, thì yêu cầu về độ chính xác và tính nghiêm túc cần phải được đảm bảo.
Cũng tại buổi hội thảo của WB, ông Khuất Việt Hùng, Vụ trưởng Vụ Vận tải thuộc Bộ GTVT, đã phát biểu rằng bộ đang xây dựng những giải pháp quyết liệt để tái cơ cấu thị trường vận tải và một trong những mục tiêu phấn đấu là đến năm 2030 là phải đưa chi phí logistics tại Việt Nam giảm còn khoảng 15-20% GDP. Dễ nhận ra rằng, nếu sử dụng mốc 25% từ một số báo cáo và đề án của Cục Hàng hải, thì đây là một mục tiêu rất thiết thực, đòi hỏi nỗ lực của Bộ GTVT và các cơ quan chức năng trong các nội dung quy hoạch và điều hành. Nhưng nếu sử dụng con số 21% mà Bộ GTVT đã từng đưa ra, mục tiêu trên đã trở nên “dễ nuốt” hơn nhiều, đó là chưa kể đến vài con số khác mà khi sử dụng có thể khiến mục tiêu trên trở thành lạc hậu.
Để những quyết sách, đề án của Bộ GTVT thuyết phục, bộ cần công bố cách tính toán về tỷ trọng chi phí logistics trên GDP và nguồn dữ liệu phục vụ cho các tính toán đó, nếu không thì đừng nên sử dụng chỉ tiêu này để tránh những lãng phí không cần thiết.
—
(1) Trong báo cáo của Ngân hàng Thế giới, logistics được dịch là “kho vận”. Tác giả không phản đối cách dịch này, nhưng do tại Việt Nam hiện có nhiều ý kiến khác nhau về cách dịch và hiểu thuật ngữ logistics, nên tác giả không sử dụng cách dịch của báo cáo.
(2) Theo tìm hiểu của tác giả, báo cáo của tập đoàn NOL và Frost & Sullivan (2007) đưa ra tỷ lệ 15-20%.
Để những quyết sách, đề án của Bộ Giao thông Vận tải thuyết phục, bộ cần công bố cách tính toán về tỷ trọng chi phí logistics trên GDP và nguồn dữ liệu phục vụ cho các tính toán đó, nếu không thì đừng nên sử dụng chỉ tiêu này để tránh những lãng phí không cần thiết.
http://www.thesaigontimes.vn/BlogDNChiTiet/109047/Than-trong-voi-so-lieu-logistics.html